Ngôi nhà xây dựng tại làng cổ Bắc Hồng nên cũng được lấy tên là “Nhà Bắc Hồng”, nằm trên khu đất tổ hơn 700m2, là sự kết hợp của nét truyền thống xưa và kiến trúc hiện đại.

 

“Nhà Bắc Hồng” là công trình được xây dựng tại ở làng cổ Bắc Hồng, vùng ngoại thành Hà Nội, trên khu đất tổ rộng hơn 700m2, có đình thờ. Nhu cầu sử dụng gồm có nơi thờ cúng của gia đình, nơi ở sinh hoạt hàng ngày cho ông bà và cho con cháu vào dịp cuối tuần, sân rộng để hội họp.

Ngôi nhà được thiết kế với mong muốn về một không gian thờ phụng kết hợp chốn nghỉ dành cho con cháu khi ở xa về. Đó không chỉ là ngôi nhà để ở bình thường mà đó còn là nơi lưu giữ những ký ức, kỷ niệm của cả gia đình suốt nhiều thế hệ. 

Công trình được tạo dựng nên như một ngôi làng cổ dưới lớp mái “xô lệch”, là một sự gắn kết giữa con người và thiên nhiên, giữa truyền thống và thực tại. Đây chính là minh chứng thành công cho việc xây dựng không gian ở mang hơi hướng lối sống mới, nhưng vẫn giữ gìn nét văn hóa truyền thống. 

Cũng chính bởi sự độc đáo này mà công trình Nhà Bắc Hồng vừa nhận giải Vàng duy nhất của Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2018, đồng thời cũng được trang kiến trúc Mỹ Arch Daily đăng tải. 

 

Để giữ đúng tinh thần của gia chủ, các kiến trúc sư đã tập trung vào việc đổi mới cũng như bảo tồn bản sắc nông thôn và hiện tại giữa Hà Nội - nơi các làng ven đô truyền thống đang dần cuốn vào làn sóng đô thị hóa. 

Trong trường hợp này, họ đã nảy ra ý tưởng biến sự xung đột của các hình khối thành cách nhấn thị giác. Họ sẽ không chỉ tái tạo 1-2 ngôi nhà mà còn xây dựng lại cảm giác về tinh thần của ngôi làng.
 

Bên trong công trình, kiến trúc sư đã tạo ra những không gian ở đặc trưng cho 3 thế hệ: Để thuận tiện nhất cho người già, phòng ở ông bà được bố trí liền kề khu thờ tự và bếp ăn. Phòng cha mẹ riêng biệt phía bên kia sân và phòng các cháu được thiết kế nhô lên trên khu vực bếp ăn với hình khối và các cốt nền chênh nhau. 

Các khối nhà có mái dốc được tách biệt & vênh về các hướng (nhằm tạo hình tượng sinh động với khối lượng không lớn), được bố trí tự do xung quanh khoảng sân rộng phía trước gian thờ. Hàng hiên và mái hiên hình elip đa hướng, đa trung tâm tạo ra sự kết nối mềm mại, biến sự đối lập thành một cuộc đối thoại.

Tất cả các khối nhà được bố cục xô lệch nhưng hài hòa, liên kết với nhau bằng sân giữa và hàng hiên rộng. Các loại vật liệu truyền thống quen thuộc như gạch trần, ngói đỏ, gỗ được kết hợp sử dụng, có mặt ở khắp mọi nơi trong ngôi nhà, tạo nên một chỉnh thể hoàn mỹ xuyên suốt tất cả các không gian. Qua đó, người sử dụng có thể dễ dàng cảm nhận được hơi hướng làng quê nhưng vẫn có nét mới lạ.

Ông bà cần sự yên tĩnh nhưng được sắp xếp cẩn thận để ở cùng với các cháu luôn năng động để có nhiều cơ hội giao lưu giữa các thế hệ - cũng là tạo cho các bậc cha mẹ bên kia sự độc lập nhất định. Trong nhà cũng có các góc thú vị để kích thích trẻ tìm tòi, khám phá. Khu vực cổng có thể mở ra ở góc đất để khai thác khoảng không gian rộng lớn cho những dịp trọng đại.

Những khoảng sân thư giãn cũng sử dụng vật liệu chính là gạch, ngói và đá. Sân được lát theo các mẫu khác nhau của đường làng xưa; ngói được sản xuất thủ công để rêu phát triển. Đây cũng là cơ hội để áp dụng và cải tiến các kỹ thuật xây dựng truyền thống như: Tường hai lớp, tường lấy sáng có lỗ thông gió, mái nhiều lớp... Tổng thể không gian tạo nên một khung cảnh hồi tưởng và chiết trung - nhưng hiệu quả về mặt thị giác.

0 Bình luận

Gửi ý kiến của bạn cho chúng tôi




popup

Số lượng:

Tổng tiền:

x