Giải pháp chống nền nhà đổ mồ hôi
1. Nguyên nhân của hiện tượng nền nhà đổ mồ hôi
Hiện tượng nền nhà đổ mồ hôi hay còn gọi là nồm xảy ra khi độ ẩm trong không khí cao, từ 95-98%. Thời điểm này, không khí mang nhiều hơi nước, trong khi nhiệt độ sàn nhà thấp hơn nhiệt độ không khí. Sàn nhà lại không có khả năng hút ẩm, dẫn nhiệt kém khiến cho lớp không khí chứa hơi nước sát bề mặt bị lạnh, tới điểm sương (nhiệt độ mà tại đó hơi nước ngưng tụ thành sương), đọng lại thành giọt trên sàn.
Một nguyên nhân khác là hơi nước bốc lên từ dưới sàn nhà, nếu như nền nhà không được xử lý tốt cũng có thể gây ra hiện tượng nồm ẩm.
Hiện tượng này đem tới sự khó chịu trong sinh hoạt, mất thẩm mỹ, nguy hiểm với người già và trẻ nhỏ bởi nếu không cẩn thận có thể trượt ngã, thậm chí xuất hiện nguy cơ chập điện trong ổ cắm.
2. Cách khắc phục hiện tượng nền nhà bị đổ mồ hôi khi nhà đã hoàn thiện
Biện pháp tối ưu nhất để giải quyết hiện tượng nồm đó là lau chùi nhà cửa, sử dụng máy móc để sấy khô vật dụng.
Nếu biết độ ẩm không khí tăng cao, sương mù nhiều, hãy đóng kín cửa, bịt các kẽ hở càng kín càng tốt để hạn chế không khí ẩm vào nhà. Không mở cửa cho thoáng bởi như vậy bạn sẽ làm cho căn nhà đón thêm độ ẩm.
Thời tiết ẩm ướt cũng là nguyên nhân làm cho các thiết bị điện tử hỏng hóc, chập cháy. Để khắc phục tình trạng này bạn nên cắm các thiết bị liên tục ở chế độ chờ
Khi không khí ẩm đã vào nhà, ngoài việc đóng kín cửa thì bạn cần mở máy điều hòa 2 cục hoặc máy hút ẩm để khử ẩm.
Nên đặt các thiết bị điện tử cao hơn mặt đất khoảng 1m và cách tường 10-15cm. Tránh kê trực tiếp đồ điện như tivi, điện thoại, máy tính,.. xuống nền nhà hoặc kê sát tường để tránh hiện tượng rò rỉ điện.
Nấm mốc chính là nguyên nhân gây bệnh. Cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ đi chân đất hoặc bò dưới sàn nhà ẩm ướt. Cần mặc ấm và không mặc những quần áo còn ẩm cho trẻ.
3. KTS chỉ ra giải pháp xử lý hiện tượng nền nhà đổ mồ hôi ngay từ khi xây nhà
Theo kiến trúc sư Trương Thành Trung (Công ty tư vấn thiết kế kiến trúc và nội thất T&T), nên xử lý hiện tượng sàn bị đổ mồ hôi ngay từ thời điểm xây nhà.
Khi xây, gia chủ nên chọn loại gạch lát nền có độ hút ẩm tốt, ngoài ra có thể sử dụng cát vàng đầm chặt, sau đó dùng một lớp xỉ than dày 10-15 cm lót dưới nền nhà trước khi dùng gạch lát nền hoàn thiện. Cách làm này nhằm giảm sự chênh lệch nhiệt độ giữa không khí vào sàn nhà, hạn chế nước đọng trên sàn.
Kỹ thuật này được các kỹ sư người Pháp sử dụng chống nồm rất hiệu quả cho các công trình ở miền Bắc Việt Nam từ thời Pháp thuộc. Bởi vậy các công trình của người Pháp như biệt thự cổ không xuất hiện hiện tượng này.
Ngoài ra khi thiết kế sàn, nên chọn các loại vật liệu phù hợp, chống ngưng đọng nước như gạch men sứ, gỗ hoặc tấm lát bằng nhựa composite, vật liệu cách nhiệt nhẹ, gốm bọt... với kích cỡ phù hợp. Kết hợp trải các loại thảm len, thảm đay, thảm cói để tăng khả năng hút ẩm.
0 Bình luận