Những lưu ý khi làm giếng trời cho nhà ống
Giếng trời là khoảng không gian được thiết kế theo phương thẳng đứng, thông từ tầng trệt đến phần mái. Ngoài việc tăng độ giao tiếp giữa không gian trong và ngoài nhà, giếng trời còn có tác dụng lấy sáng, thông gió và tăng tính thẩm mỹ cho công trình.
Giếng trời thường được chia thành ba loại: mái che cố định, mái che di động và không mái che. Gia chủ muốn thiết kế giếng trời cho nhà ống cần xác định được mục đích chính là lấy sáng, thông gió, tiết kiệm điện năng hay tăng tính thẩm mỹ cho không gian sống. Từ đó tính toán đến các yếu tố về vị trí, diện tích, vật liệu, khu vực xunh quanh để tạo nên giếng trời phù hợp.
Vị trí
Khu vực giữa và sau cùng của ngôi nhà là hai khoảng không gian thích hợp để bố trí giếng trời. Bởi, hai khu vực này có thể đón nhận được nguồn ánh sáng và gió giúp cho việc lưu thông không khí trong nhà tốt hơn.
Diện tích
Diện tích của giếng trời nên dưới 5% diện tích sàn đối với nhà nhiều cửa sổ và dưới 15% diện tích sàn với nhà ít cửa sổ. Ví dụ đối với một căn nhà ống ít cửa sổ có diện tích 5x20m, kích thước dành cho giếng trời không nên quá 15 m2.
Giếng trời còn có tác dụng lấy sáng, thông gió và tăng tính thẩm mỹ cho công trình.
Vật liệu
Ba loại vật liệu sử dụng phổ biến khi làm giếng trời là tấm polycarbonate (tấm poly), kính cường lực và nhựa mica. Ưu điểm của kính cường lực là độ cứng và bền cao, chịu lực và cách âm tốt, dễ dàng vệ sinh, lau chùi. Nhược điểm là trọng lượng nặng, khó khăn cho vận chuyển và thi công, cần đặt trước kích thước theo yêu cầu.
Tấm nhựa mica có ưu điểm nhẹ hơn kính, chịu được nhiệt độ cao, có tính dẻo nên gia công dễ dàng. Nhược điểm là kích thước nhỏ, cố định nên không phù hợp với giếng trời kích thước lớn. Loại vật liệu này cũng có chi phí cao vì phải sử dụng tấm mica có độ dày lớn.
Tấm poly có ưu điểm cứng hơn kính, trọng lượng nhẹ, cách âm, cách nhiệt, mùa sắc đa dạng, dễ thi công và an toàn cho người sử dụng. Tuy nhiên bề mặt dễ trầy xước hơn so với kính, phải dùng chất tẩy rửa chuyên dụng.
Khu vực xung quanh
Đối với sàn, thông thường gia chủ sẽ tận dụng làm tiểu cảnh trong nhà. Trường hợp này cần có hệ thống thoáng nước sàn hợp lý vì lượng nước ứ đọng vào mùa mưa khiến cho mặt sàn bị ẩm, hư hỏng và làm chết cây xanh.
Đối với lan can, vì đặc tính thông tầng nên khu vực này cần được thiết kế chiều cao và khe hở phù hợp để đảm bảo an toàn, nhất là gia đình có trẻ nhỏ. Tường giếng trời không nên thiết kế phẳng vì tạo tiếng vang lớn, ảnh hưởng đến sự riêng tư khi sinh hoạt. Giải pháp giảm âm thanh là ốp đá, ốp gạch với bề mặt nhám. Ngoài ra, bạn không nên treo đèn chùm, vật trang trí có trọng lượng, kích thước lớn ở khu vực giếng trời vì gây nguy hiểm khi xảy ra sự cố rơi vỡ
Bạn nên sử dụng mái che vì giếng trời là nơi tiếp xúc trực tiếp với môi trường như nắng, mưa, gió, bụi. Tuy nhiên, không nên làm mái che quá mỏng vì khó chống chịu được điều kiện khí hậu khắc nghiệt.
0 Bình luận